Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

‘Người làm sân khấu không biết khán giả cần gì’

Đây là chia sẻ của NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Lý luận phê bình (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) tại Hội thảo Khoa học “Thực trạng và giải pháp nhằm xây dựng những tác phẩm văn học – nghệ thuật giá trị cao theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V – Khóa VIII” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Phải xây dựng Pháp luật về Văn hóa

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đồng tình rằng, Nghị quyết Trung ương V một lần nữa khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển đất nước với quyết tâm “Giữ gìn và phát triển nền Văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tuy nhiên, sau 15 năm kể từ khi Nghị quyết Trung ương V ra đời, thực trạng văn hóa vẫn còn nhiều nhiễu loạn. Theo các đại biểu, nguyên nhân lớn nhất là do chúng ta chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nhằm tạo động lực cho Văn hóa phát triển.

Toàn cảnh hội thảo


Nhà văn, nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng, muốn có nhân tài phải biết đào tạo nhân tài. “Nhà nước đã có chính sách đào tạo hàng loạt các tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài thì vì sao ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại không thể?”, bà Ngô Ngọc Ngũ Long đặt vấn đề.

Còn nhà thơ, nhà phê bình Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho rằng, với nhân tài, nhận diện được họ đã là rất khó. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là “ứng xử” với họ như thế nào? “Phải tuyệt đối tôn trọng và tin tưởng họ, tạo một môi trường rộng rãi cho sự sáng tạo của họ”, ông Lê Quang Trang nhận định.

Trong khi đó, theo nhà văn, nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long, Nghị quyết Trung ương V phải đóng vai trò là lá chắn bảo vệ ngành công nghiệp văn hóa nội địa trên thế giới phẳng về Văn hóa hiện nay.

“Muốn vậy, chúng ta phải có chiến lược bảo vệ văn hóa, và phải thực thi trên cơ sở pháp luật. Phải xây dựng pháp luật về Văn hóa cũng như việc hỗ trợ cho các lĩnh vực Văn hóa trong nước”, bà Ngô Ngọc Ngũ Long kiến nghị.

“Mạnh tay” đầu tư cho sáng tác

Tại Hội thảo, NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Lý luận phê bình (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) kiến nghị, Nhà nước cần tạo cú hích trong đầu tư nghệ thuật, trong đó phải “mạnh tay” đầu tư cho sáng tác.

“Nếu chúng ta đầu tư 20 triệu đồng cho 20 tác giả, mỗi tác giả được đầu tư 1 triệu, thì chúng ta dùng 20 triệu đó chỉ đầu tư cho một tác giả sẽ tốt hơn rất nhiều”, NSƯT Trần Minh Ngọc đề xuất.

Còn nhà thơ, nhà phê bình Lê Quang Trang nhấn mạnh: “Không nên tiếc tiền của, công sức khi chăm lo và tạo điều kiện cho sáng tạo của các tác giả triển vọng, có tiềm năng. Nên dành sự trọng thị đặc biệt cho họ”.

Bên cạnh tài chính, NSDN Đặng Hùng - Hội Nghệ sĩ múa TPHCM cũng cho rằng, vấn đề nhận thức cũng quyết định “số phận” của văn học nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Theo NSND Đặng Hùng, cần phải quán triệt hơn nữa các cấp lãnh đạo của các cơ quan có liên quan đến việc “xây dựng tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII”.

Đứng ở góc độ người làm nghệ thuật, PGS. TS Trần Luân Kim, Phó Ban Lý luận phê bình (Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM) cho rằng, để xây dựng tác phẩm văn nghệ có giá trị cao không thể không đặc biệt quan tâm tới các thủ pháp “làm giàu bản sắc dân tộc” cùng “sắc màu hiện đại” trong tác phẩm.

Nhiều văn nghệ sĩ nhận định, làm nghệ thuật không thể gượng ép, cần có những buổi sinh hoạt thường xuyên giúp các văn nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi. Qua đó, phát hiện đề tài, khơi nguồn cảm hứng làm tiền đề cho những tác phẩm giá trị ra đời./.

Bài, ảnh:Lê Nguyễn